THIÊN CHÚA

Ta hãy bàn tới chuyện cốt yếu đích thực, như ngài vẫn nói, đó là Thiên Chúa, nguồn gốc và mục tiêu của sự sống. Kinh tin kính của Ki-tô giáo bắt đầu bằng câu “Tôi tin”. Nhưng ki-tô hữu đâu có tin một cách chung chung vào một quyền lực cao hơn, vào một bản thể cao hơn.

Câu “Tôi tin” này là một hành vi ý thứccủa tôi. Một hành vi trong đó quyện lẫn cả ý chí, trí hiểu, sự soi sáng và dẫn dắt, đó là những thứ đã được ban tặng cho tôi. Câu đó cho thấy niềm tín thác hay cả việc tôi bước ra khỏi chính mình để hướng tới Chúa. Và ở đây, không phải là tôi hướng tới một quyền lực nào đó cao hơn, nhưng là hướng tới Chúa, đấng biết tôi và chuyện trò với tôi. Ngài thật sự là một Tôi, dù cái Tôi đó mang bản chất cao hơn bình thường nhiều, tôi có thể vươn tới cái Tôi đó và cái Tôi đó cũng đi đến với tôi.

Ngài muốn nói gì khi bảo Chúa cũng là một “Tôi”?

Tôi muốn nói rằng Ngài là một con người. Chúa không phải một phép tính đại cương của vũ trụ. Ngài không hiện diện trong trần gian như một tinh thần nào đó. Ngài không phải là một hoà hợp vô định của thiên nhiên, hay một “vô cùng” không thể gọi tên, nhưng Ngài là đấng tạo dựng thiên nhiên, là nguồn cội của hoà hợp, là đấng hằng sống, là chúa tể.

Khoan, ngài tin Chúa là một con người? Chúa biết nghe, thấy, cảm…?

… Đúng. Chúa có tất cả những gì cơ bản mà con người có, như í thức, nhận biết và tình yêu. Như vậy, Ngài là người có thể biết nói biết nghe. Tôi tin đó là cái cơ bản nơi Chúa.

Thiên nhiên có thể tuyệt diệu. Bầu trời tinh tú có thể lạ lùng. Nhưng đó cũng chỉ là một lạ lùng tuyệt diệu thiếu chất người, bởi vì rốt cuộc chúng cũng làm tôi thành một cơ phận nhỏ trong một bộ máy vĩ đại.

Nhưng Chúa còn hơn nhiều. Ngài không đơn giản là thiên nhiên, nhưng là đấng đi trước và cưu mang thiên nhiên. Ngài là đấng có thể biết nói, biết nghe, biết yêu, biết nghĩ. Và đức tin cho ta hay, bản chất của Chúa là quan hệ. Đó là điểm mà chúng ta muốn nói tới khi gọi Ngài là ba ngôi. Vì chính Ngài là quan hệ, nên Ngài cũng có thể tạo ra vật mang quan hệ, và tạo vật này được quan hệ với Ngài, vì Ngài đã quan hệ với nó trước.

Ngài có lần nói: “Ai bước vào kinh tin kính này, thì thoát ra khỏi những quy luật của thế giới hiện tại”.

Í tôi muốn nói rằng, huyền nhiệm phục sinh của Đức Ki-tô nâng ta lên trên sự chết. Dĩ nhiên, là người, chúng ta vẫn luôn sống theo quy luật tự nhiên của thế giới này. Thiên nhiên vận hành theo quy luật chết và sinh trưởng. Nhưng nơi Đức Ki-tô, ta thấy con người là cái gì viên mãn. Con người không chỉ là một thành tố của quá trình chết và sinh trưởng lớn lao đó, nhưng nó là và vẫn là một đích điểm riêng của tạo dựng. Vì thế, nó được bốc ra khỏi cơn lốc sinh tử muôn đời và được nhận vào trong sự bền vững của tình yêu sáng tạo của Chúa.

Tại sao lại dùng hình tam giác và một con mắt ở giữa chòng chòng nhìn ta để làm biểu tượng cho Chúa?

Hình tam giác là một cố gắng diễn tả sự hợp nhất trong bí ẩn ba ngôi. Người ta dùng hình đó để nói lên một thực thể duy nhất trong ba ngôi, và để diễn tả sự hoà tan của quan hệ tình yêu tay ba này vào trong một hợp nhất tối cao. Biểu tượng con mắt đã có từ rất xa xưa, và trong suốt lịch sử tôn giáo, nó được dùng để nói lên sự nhận thức. Con mắt cho ta biết, Chúa là đấng nhìn thấy, và con người là kẻ được nhìn thấy, và nhờ Chúa, chính con người cũng có thể trở nên nhìn thấy. Biểu tượng trên, dĩ nhiên, cũng có mặt nguy hiểm.

Thời Khai sáng, người ta bỏ Chúa một phần lớn cũng vì nó. Bởi vì người ta không chấp nhận một Chúa luôn chằm chằm nhìn tôi mọi nơi mọi lúc, dõi mắt luôn cả vào chỗ riêng tư của tôi. Vì thế, nếu ta xem cái nhìn đó là sự đe doạ, là một cái nhìn nguy hiểm, nó lấy mất tự do của tôi, thì đó là một quan niệm sai và đi ngược lại với hình ảnh Chúa. Phải hiểu con mắt đó là hiện thân của sự quan tâm đời đời của Chúa đối với ta, nó cho ta hay: Tôi không bao giờ bị bỏ rơi, có ai đó luôn luôn mến tôi, đón lấy tôi và đỡ nâng tôi.

Truyền thống do-thái bảo rằng, trước khi Thiên Chúa tạo dựng thế giới, Ngài chỉ hiện diện một cách ẩn kín. Hình tượng của Ngài không hiện thực. Vì thế, Ngài cần thế giới để thể hiện ra bộ mặt của Ngài. Cũng như một vị vua mà không có dân thì làm sao gọi là vua? Làm sao Chúa có thể yêu, nếu không có ai để yêu? Câu hỏi: Tình trạng trước khi Chúa tạo dựng vũ trụ như thế nào? Ai đã dựng nên Chúa?

Quan điểm trên xuất phát từ một trong nhiều truyền thống của Do-thái. Sau này, những í

nghĩ tương tự cũng xuất hiện nơi thần bí Ki-tô giáo, chẳng hạn nơi sư phụ Eckart*. Tuy nhiên, những quan điểm coi Chúa chỉ trở nên Chúa sau khi Ngài đã tạo dựng một cái gì, không phù hợp với hình ảnh nguyên mẫu của Kinh Thánh. Không, Thiên Chúa của Ki-tô giáo, đấng đã tỏ ra cho chúng ta thấy, là Thiên Chúa. Ngài nói : “Ta là Ta”. Vì thế, chẳng cần phải thắc mắc với câu hỏi luôn được đặt ra : Ai đã tạo nên Chúa, ai đã tạo nên kẻ tạo nên Chúa và vân vân. Hay cả câu hỏi : Có thật Tinh Thần Tạo Dựng đã tự mình hiện hữu trọn vẹn rồi không, một sự trọn vẹn vượt trên cái chết và sự sinh trưởng ?

Tôi nghĩ, ta có thể nói như vầy : Chính trong thực tại đã mang tính sáng tạo. Chúa không cần trần gian. Đó là điểm đức tin Ki-tô giáo và cả đức tin trong Kinh Thánh Cựu Ước luôn nhấn mạnh. Các thần linh cần con người, để được trò chuyện và được nuôi ăn. Trái lại, tự thân Chúa chẳng cần gì tới con người. Ngài là đấng duy nhất, đời đời, là toàn bộ hiện hữu. Đức tin Thiên Chúa ba ngôi cho ta hay, chính Ngài là đấng yêu thương, yêu thương qua lại và bên nhau giữa ba ngôi, nhưng đồng thời Ngài cũng là một hợp nhất tối cao.

Mặt khác, câu nói « Chúa là tình yêu » cũng hàm chứa một câu hỏi khác: ai được yêu ? Và câu hỏi này đã tự biến tan đi trong ba ngôi Thiên Chúa, đấng đã tự trao tặng mình và trở thành người Con, và rồi Ngài rút lui và trở nên một Thánh Thần. Xem như thế, thì tạo dựng là một hành vi tự do, và truyền thống Ki-tô giáo cũng luôn nhấn mạnh điều này: Việc tạo dựng, đối với Chúa, không phải là điều bó buộc, nhưng là một hành vi tự do.

Thế thì tại sao Chúa lại phải phiêu lưu tạo dựng thế giới và con người?

Rô-mano Guardini, người đã nhìn ra tất cả nỗi đau trong cuộc tạo dựng, đã phải dằn vặt ghê gớm với thắc mắc này: Tại sao Chúa lại làm điều, mà nếu không có nó, thì cũng chẳng sao ? Chúng ta không thể trả lời được câu hỏi đó. Ta chỉ biết chấp nhận, là Ngài hẳn muốn điều đó, Ngài muốn có tạo vật đối diện với Ngài, có thể nhận ra Ngài, và như thế vòng đai yêu thương của Ngài được nới rộng.

Người xưa đã cố diễn tả điều đó bằng một tư tưởng triết học : Tự thân cái Thiện có nhu cầu thông tin. Và vì Chúa là đấng tuyệt đối thiện hảo, nên đã có sự tuôn trào ra từ Ngài. Tư tưởng này cũng không giúp ta câu trả lời rốt ráo. Nhưng quan trọng ở đây : Tạo dựng là một hành vi tự hiến nhưng không, chứ không phải là một thứ nhu cầu của Chúa, vì nếu không, thì chính Chúa sẽ chỉ là Chúa nửa vời và, như thế, hi vọng của ta cũng có thể chỉ là hi vọng nửa vời.